29/03/2025
Thực tế cho thấy, mặc dù công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tiếp tục quan tâm chăm lo củng cố, nâng cao chất lượng, xây dựng lực lượng DQTV thực sự vững mạnh, có cơ cấu và tổ chức hợp lý, phát huy tốt hiệu quả, xứng đáng là “lá chắn thép” bảo vệ cơ sở, địa phương.
Thực trạng và yêu cầu đặt ra trong xây dựng lực lượng DQTV
Hiện nay, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng phức tạp, địa bàn cơ sở nảy sinh nhiều thách thức, các thế lực thù địch tăng cường chống phá với các thủ đoạn tinh vi, nhất là chiến tranh trên không gian mạng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc và "thế trận lòng dân", kích động biểu tình, bạo loạn... đòi hỏi lực lượng DQTV phải được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng và khả năng ứng phó linh hoạt, hiệu quả.
Theo Trung tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục DQTV, hiện nay, lực lượng DQTV được xây dựng rộng khắp trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, hải đảo với cơ cấu, tổ chức chặt chẽ ở tất cả xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức kinh tế, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh-trật tự tại cơ sở mà còn góp phần tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tham gia phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
![]() |
Dân quân thường trực xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk luyện tập bắn súng. Ảnh: VIỆT HÙNG |
![]() |
Dân quân thường trực xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk huấn luyện võ thuật. Ảnh: VIỆT HÙNG |
Những năm qua, công tác xây dựng, huấn luyện và hoạt động của DQTV đạt nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ DQTV ngày càng được củng cố về chất lượng, có bản lĩnh chính trị, nắm vững kiến thức quân sự cơ bản, nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, bảo vệ an ninh-trật tự, an toàn xã hội. Nhiều đơn vị DQTV đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ địa bàn, góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Như tại Hà Nội là địa bàn đặc thù, có thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn trong thực hiện công tác DQTV, Đại tá Nguyễn Quang Đấu, Trưởng phòng DQTV (Bộ Tham mưu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết: Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 09-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”; UBND thành phố có kế hoạch về tổ chức xây dựng lực lượng DQTV TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho ban CHQS cấp xã và thành lập đơn vị dân quân thường trực (DQTT). Hà Nội đang là điểm sáng của cả nước trong thực hiện nội dung này. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được hơn 200 trụ sở làm việc cho ban CHQS cấp xã; thành lập được 10 trung đội DQTT, 156 tiểu đội DQTT; tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quân sự địa phương thực hiện nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng DQTV ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Quy mô lực lượng tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở doanh trại, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa và ứng phó với các tình huống phức tạp; việc huy động nguồn lực cho xây dựng lực lượng và hoạt động của DQTV còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ, chiến sĩ DQTV ở một số nơi chưa thực sự phù hợp, chưa tạo được động lực để duy trì và phát triển lực lượng ổn định, lâu dài. Nhiều đồng chí cán bộ quân sự cấp huyện, xã ở hầu hết các địa phương phản ánh, mức trợ cấp đối với chiến sĩ DQTT và dân quân khi huy động thực hiện nhiệm vụ thấp hơn mức tiền công trung bình của người lao động nên chưa tạo được động lực, khó huy động DQTV thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế này, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nhằm xây dựng lực lượng DQTV thực sự vững mạnh, rộng khắp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 4-2-2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP. Theo đó, một số chế độ, chính sách đối với DQTV đã được nâng lên.
![]() |
![]() |
Lực lượng dân quân tham gia tuần tra trên tuyến biên giới Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: PHƯƠNG VŨ |
Bên cạnh đó, để xây dựng lực lượng DQTV đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, theo Trung tướng Phạm Quang Ngân, trước hết cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị phải thường xuyên quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với lực lượng DQTV; làm tốt công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cách mạng và nâng cao nhận thức pháp luật cho lực lượng DQTV; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong lực lượng DQTV, bồi dưỡng, kết nạp những chiến sĩ DQTV ưu tú vào Đảng. Cán bộ, chiến sĩ DQTV phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Sự trưởng thành về chính trị, tư tưởng của mỗi chiến sĩ DQTV chính là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng tổng thể của lực lượng. Các địa phương cần tiếp tục củng cố tổ chức, biên chế DQTV theo đúng quy định của Luật DQTV, bảo đảm tỷ lệ hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở từng địa bàn; chú trọng xây dựng lực lượng DQTV ở các địa bàn trọng điểm như biên giới, biển đảo, địa bàn chiến lược.
Trong giai đoạn mới, nội dung, chương trình huấn luyện DQTV cần tiếp tục đổi mới, cập nhật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Các địa phương xây dựng kế hoạch huấn luyện khoa học, chặt chẽ, bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ DQTV được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật theo quy định; bổ sung huấn luyện kỹ năng tác chiến hiện đại, bao gồm kiến thức về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát, cảnh giới, phòng, chống máy bay không người lái... Tăng cường tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập giữa các đơn vị DQTV và diễn tập khu vực phòng thủ các cấp có DQTV tham gia để nâng cao trình độ, khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng. Đưa phong trào thi đua huấn luyện giỏi, “vững mạnh về chuyên môn, tinh thông về kỹ, chiến thuật” trở thành phong trào sâu rộng trong toàn lực lượng DQTV. Chỉ khi huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, lực lượng DQTV mới có thể sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa trang bị, phương tiện và ứng dụng khoa học-công nghệ trong hoạt động của DQTV. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thí điểm mô hình “chuyển đổi số trong công tác DQTV”, áp dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu DQTV, hệ thống thông tin chỉ huy liên lạc từ tỉnh tới xã, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo đối với lực lượng này. Việc hiện đại hóa lực lượng DQTV phải được tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với lộ trình hiện đại hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đề xuất những phương án trang bị mới phù hợp cho DQTV, bảo đảm gọn nhẹ, cơ động, hiệu quả và sát với điều kiện từng địa phương.
Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng DQTV với lực lượng Quân đội, Công an trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng; cơ chế chỉ huy thống nhất trong khu vực phòng thủ phải được vận hành nhịp nhàng, thông suốt, bảo đảm khi có tình huống, lực lượng DQTV có thể nhanh chóng nhận lệnh và hành động ăn ý với các lực lượng cần phối hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ./.